Đèn soi nẻo giác

Bodhi-patha-pradipa, Byang-chub lam-gyi sgron-ma, A lamp for the Enlightenment path.
Richard Sherbune dịch Tạng-Anh. Ni sư Trí Hải dịch Anh-Việt.
Thích Trí Siêu sửa lại theo bản dịch “Atisha’s Lamp for the Path to Enlightenment” của Ruth Sonam.

Kính lễ đức Mạn thù đồng tử

1/ Kính lễ chư Phật quá khứ hiện tại vị lai
Cùng giáo pháp các ngài và thánh chúng
Con sẽ đốt lên một ngọn Đèn soi nẻo giác
Theo yêu cầu đệ tử thiện xảo Byang-chub-od.

2/ Tất cả mọi người đều thuộc vào 3 hạng
Thấp kém, trung bình và thù thắng
Tôi sẽ phân biệt rõ ràng
Về những đặc tính khác nhau.

3/ Người nào tìm đủ mọi cách
Để theo đuổi lạc thú trong sinh tử
Và chỉ lo nghĩ cho bản thân mình
Đấy là hạng người thấp kém.

4/ Người nào từ bỏ lạc thú cuộc đời
Và tránh xa những hành vi tội lỗi
Nhưng chỉ mong cầu hạnh phúc cá nhân
Người ấy được xem là hạng tầm thường.

5/ Người nào chỉ lo chấm dứt hoàn toàn
Những khổ đau của kẻ khác
Vì tâm luôn nghĩ đến nỗi khổ chúng sinh
Kẻ ấy thuộc hạng người thù thắng.

6/ Với hạng người thù thắng
Mong muốn đạt giác ngộ tối cao
Tôi sẽ giải thích những phương tiện chính
Mà các bậc thầy đã dạy.

7/ Hãy đối trước tượng, tranh đấng Toàn Giác
Hoặc trước xá lợi thiêng liêng
Mà dâng cúng hương hoa
Và bất cứ cúng phẩm nào có được.

8/ Rồi với sự cầu nguyện 7 phần
Được nói trong Phổ Hiền hạnh nguyện
Và với tâm chí không thối chuyển
Cho đến khi đạt Vô thượng Bồ đề.

9/ Với niềm tin lớn vào 3 ngôi báu
Hãy quỳ gối sát đất
Với hai tay chắp lại
Trước hết hãy 3 lần đảnh lễ quy y.

10/ Rồi với điều kiện tiên quyết
Là tâm từ đối với chúng sinh
Ta nhìn khắp thế gian
Bị khổ vì sinh tử luân hồi
Và tái sinh trong 3 ác đạo.

11/ Ta đau đớn trước cảnh khổ ấy
Và ai muốn giải thoát thế gian
Khỏi ngay cái nhân của khổ
Thì phải phát tâm Vô thượng Bồ đề
Thề không bao giờ lui bước.

12/ Mọi đức tính liên hệ
Đến việc lập thệ nguyện này
Đã được đức Di Lặc giải thích rõ
Trong phẩm kinh Hoa Nghiêm.

13/ Hãy đọc kinh này hoặc nghe thầy giảng
Và khi thấy được những lợi ích vô biên
Của tâm mong cầu giác ngộ
Thì ngày đêm ta sẽ liên tục phát tâm này.

14/ Công đức của phát tâm được nói rõ
Trong kinh Nghi vấn của Viradatta
Nói về cốt tủy của kinh ấy
Tôi sẽ trích ba đoạn sau đây:

15/ Nếu công đức đầy đủ của tâm bồ đề
Mà có một hình tướng
Thì nó sẽ vượt quá
Giới hạn của không gian.

16/ Ví như có người sở hữu nhiều châu báu
Chất đầy khắp các cõi Phật
Số lượng hơn cát sông Hằng
Đem hiến cúng đức Thế tôn.

17/ Còn một người khác chỉ chắp tay
Hướng tâm đến việc mong cầu giác ngộ
Sự cúng dường này thù thắng hơn
Vì đó là cúng dường không giới hạn.

18/ Khi phát tâm mong cầu giác ngộ
Hãy nỗ lực triển khai toàn vẹn tâm ấy
Muốn nhớ lại nguyện mình đời trước
Hãy tu tập đầy đủ theo lời giải thích đây.

19/ Tâm nguyện bồ đề sẽ không tăng tiến
Nếu không lập thệ tuần tự thọ giới
Nên ai mong cầu tăng trưởng nguyện bồ đề
Thì hãy thiết tha lập thệ thọ giới.

20/ Chỉ người nào đã lập thệ lâu bền
Giữ một trong 7 hạng giới Biệt giải thoát
Mới đủ tư cách thọ nhận bồ tát giới
Ngoài ra không có cách nào khác.

21/ Đức Như Lai đã dạy
Trong bảy hạng giới Biệt giải thoát
Sự sống trong sạch là thù thắng nhất
Nghĩa là nguyện giữ giới tỳ kheo.

22/ Theo nghi thức được nói trong kinh
Chương nói về giới của Bồ tát địa
Người ta thọ giới từ một bậc minh sư
Có những đức tính thích hợp.

23/ Nghĩa là người am hiểu nghi thức thọ giới
Và bản thân sống đúng theo giới đã thọ
Lại có đức nhẫn nhục từ bi
Để truyền trao giới pháp.

24/ Nhưng nếu đã tìm mà không gặp
Một bậc thầy nào như thế,
Thì sau đây là nghi thức khác
Để thọ giới cho đúng cách.

25/ Đời quá khứ khi làm vương tử
Đức Văn Thù đã phát tâm bồ đề
Như được nói trong kinh
Trang hoàng cõi Phật Văn Thù Tôi sẽ ghi rõ lại như sau.

26/ “Trước chư Phật thế tôn,
Con xin phát tâm Vô thượng bồ đề
Con mời tất cả chúng sinh lại
Nguyện cứu họ thoát vòng sinh tử.

27/ “Khởi từ giờ phút này trở đi
Cho đến khi đạt Vô thượng bồ đề
Con sẽ không để cho giận dữ, ác ý
Tham lam hay ganh tị, xâm chiếm tâm con.

28/ Con sẽ sống đời phạm hạnh thanh tịnh
Từ bỏ tội lỗi và dục vọng thấp hèn
Con sẻ sống như Phật sống
Là hoan hỷ trong Giới hạnh vô biên.

29/ Con không ham cầu
Chứng bồ đề nhanh chóng
Mà nguyện ở lại sinh tử đến cùng
Dù chỉ vì độ một chúng sinh duy nhất.

30/ Con sẽ làm sạch vô lượng
Vô biên cõi nước trong vũ trụ
Và ở lại khắp mười phương
Để đến với ai gọi tên con.

31/ Đã làm sạch hoàn toàn
Thân nghiệp và ngữ nghiệp
Con sẽ làm sạch luôn ý nghiệp
Và không bao giờ làm điều bất thiện.

32/ Cốt yếu sự thanh tịnh thân lời ý
Là giữ giới với tâm cầu tiến
Vì nhờ thực hành 3 loại giới
Mà thấy chúng có giá trị lớn.

33/ Do vậy, khi nỗ lực tu các giới
Bao hàm giới bồ tát trong sạch
Thì hành giả sẽ viên mãn
Hành trang để đạt toàn giác.

34/ Tất cả chư Phật đã dạy
Căn bản hành trang ấy là phước và trí
Muốn thành tựu 2 thứ ấy
Cốt yếu phải thành tựu các thần thông.

35/ Như chim con với đôi cánh chưa vững
Không thể bay cao trên bầu trời
Cũng vậy khi chưa đủ thần thông
Thì không thể lợi lạc hữu tình.

36/ Công đức tạo được trong 1 ngày
Của người có thần thông
Vượt xa công đức người không thần thông
Tạo nên trải qua trăm đời kiếp.

37/ Người nào muốn thành tựu nhanh chóng
Hành trang cho trí toàn giác
Thì không thể lười biếng mà phải nỗ lực,
Đạt dược thần thông qua sự tinh tấn.

38/ Khi chưa đạt đến tịnh chỉ
Thì thần thông không thể phát sinh,
Bởi thế muốn thành tựu tịnh chỉ
Thì phải nỗ lực tinh tiến.

39/ Người xao lãng những yếu tố của Định
Thì dù có nỗ lực thiền quán
Trải qua hàng ngàn năm
Cũng không thể đắc định.

40/ Bởi thế, khi đã an lập trong các yếu tố
Nói trong Chương Hành trang của Định
Thì mới có thể đặt tâm viên mãn giới
Tập trung vào đề mục đã chọn.

41/ Khi viên mãn pháp thiền Tịnh chỉ
Thì sẽ chứng đắc các thần thông.
Nhưng nếu không tu tập Trí Tuệ
Thì chướng ngại vẫn chưa tiêu diệt.

42/ Bởi thế, muốn trừ tất cả chướng ngại
Giải thoát và nhất thiết trí
Thì hành giả phải liên tục tu tập
Tuệ giác phối hợp với Phương tiện.

43/ Kinh điển dạy rằng
Tuệ giác không tách rời Phương tiện
Và Phương tiện không thể rời Tuệ giác
Bởi thế, đừng bỏ quên hai cái này.

44/ Muốn giải trừ hoài nghi thắc mắc
Gì là Tuệ giác, gì là Phương tiện ?
Tôi sẽ giải rõ sự khác nhau
Giữa Phương tiện và Tuệ giác.

45/ Các đấng Chiến thắng đã giải thích
Phương tiện là tất cả công đức lành
Khởi từ Bố thí ba la mật
Và các thứ khác, trừ trí tuệ ba la mật.

46/ Người nào biết phối hợp Phương tiện
Với chân chính tu tập Tuệ giác
Thì sẽ mau chóng đạt giác ngộ
Không phải chỉ nhờ tu vô ngã.

47/ Tuệ giác được giải thích đầy đủ
Là biết Tánh không, không thực chất nội tại.
Khi hiểu rằng các Uẩn
Và Xứ và Giới vốn không sinh.

48/ Một vật đã có thì không thể sinh
Một vật không có như hoa đốm hư không cũng vậy.
Một vật vừa có vừa không hoàn toàn vô lý
Bởi vậy cả hai đều không sinh.

49/ Một thực thể không sinh ra từ chính nó.
Không sinh từ cái khác, hoặc từ cả hai
Cũng chẳng phải không do nhân gì sinh
Nên không tự tính, vì không bản chất nội tại.

50/ Lại nữa, nếu phân tích các pháp
Theo tính Một hay Nhiều
Ta sẽ thấy chúng không thể hiện hữu độc lập
Nên quyết định chúng không có tự tánh.

51/ Bảy mươi bài kệ về Tánh Không
Và kệ tụng căn bản về Trung đạo
Đã giải thích bản chất của các pháp
Đều không có tự tánh.

52/ Bởi thế tôi không muốn lập lại
Vì ngại bản văn sẽ quá dài,
Mà chỉ giải thích những điều đã xác chứng
Có liên quan đến thiền quán.

53/ Như vậy, khi quán chiếu các pháp
Không thấy chúng có thật tánh
Chính là thiền quán về vô ngã
Đấy cũng là thực hành trí tuệ.

54/ Và cái trí tuệ không thấy
Thực tánh trong bất cứ pháp nào
Chính là trí tuệ Bát nhã.
Hãy đào luyện nó và không vọng tưởng.

55/ Bản chất của thế gian này
Nổi lên từ tưởng phân biệt
Dứt trừ hoàn toàn tưởng phân biệt
Chính là Niết bàn tối thượng.

56/ Hơn nữa, đức Thế tôn tuyên bố:
“Tưởng phân biệt chính là đại vô minh
Ném con người vào biển sinh tử
Người nào an trụ trong định vô tưởng
Tâm trong sáng như bầu trời sẽ hiển lộ”

57/ Ngài cũng nói trong Kệ Tu vô tưởng:
“Khi một Pháp vương tử thiền quán
Không tưởng phân biệt về Diệu pháp này
Sẽ vượt qua gian nan lối mòn tư tưởng,
Vị ấy dần đạt đến vô phân biệt.”

58/ Khi nhờ kinh điển và lý luận
Ta đã thâm nhập bản chất của các pháp
Là không sinh và không thực có
Thì hãy thiền quán không tưởng phân biệt.

59/ Khi hành giả đã quán chân như
Trải qua Noãn vị và các giai đoạn khác,
Vị ấy sẽ đạt đến Hoan Hỷ địa trở lên:
Khi ấy Phật quả không còn xa.

60/ Nhờ phép “Trấn tịnh” và “Sung mãn”
Vân vân, có hiệu lực do thần chú
Và nhờ năng lực tám phép thành tựu
Khởi từ “Bửu Bình” và các pháp khác,

61/ Mà hành trang cho giác ngộ
Được kiện toàn một cách dễ dàng;
Và nếu muốn hành mật chú
Trong các mật điển Hành động.

62/ Thì phải thọ pháp “Đạo sư gia trì”
Bằng cách tìm một vị thầy thánh thiện
Rồi hầu hạ, cúng dường báu vật
Và tuân phục để làm hài lòng vị ấy.

63/ Và khi đã được bậc thầy hoan hỷ
Làm lễ truyền pháp “Đạo sư gia trì”
Thì ta sẽ tịnh hóa mọi tội lỗi
Và có thề thành tựu các chứng đắc.

64/ Những pháp quán đảnh Bí mật và Tuệ giác
Không nên cho người xuất gia thọ
Vì các pháp ấy đặc biệt bị cấm
Trong Đại mật điển của đức Phật Tối sơ.

65/ Nếu thọ những pháp quán đảnh ấy
Trong khi sống đời phạm hạnh xuất gia
Nó sẽ khiến người ấy phạm giới
Khi phải thực hành những điều cấm chỉ.

66/ Những sự phạm giới khi xảy ra
Sẽ đánh bại người giữ giới xuất gia
Và do chắc chắn sa vào ác đạo
Việc tu mật tông sẽ không bao giờ thành tựu.

67/ Sau khi đã thọ pháp “Đạo sư gia trì”
Và thấu hiểu chân như,
Thì được nghe hoặc giải thích tất cả mật điển
Và thực hành các nghi thức cúng dường, v.v…
Mà không phạm giới.

68/ Tôi, trưởng lão Dipamkarasri,
Đã đọc luận giải này trong các kinh điển
Và theo lời yêu cầu của Byang-chub-od
Đã giải thích rõ Con Đường đến Giác ngộ.


Trang Nhà