Trang Nhà

Mục Lục Phật Pháp

8 Điều Tu Hằng Ngày

Thích Trí Siêu
 

Mỗi ngày, sau giờ thiền tọa hay tụng kinh, chúng ta nên đọc thêm 8 điều này:

1.         Ngày hôm nay con nguyện giữ tâm không tham (không muốn có nhiều hơn cái mình cần)

2.         Ngày hôm nay con nguyện giữ tâm không sân (không bực tức khi bị trái ý)

3.         Ngày hôm nay con nguyện giữ tâm không si (không phóng tâm ưa ghét theo trần cảnh)

4.         Ngày hôm nay con nguyện giữ tâm không ngã mạn (không khen mình chê người)

5.         Ngày hôm nay con nguyện giữ tâm không ganh tị (không so sánh hơn thua với kẻ khác)

6.         Ngày hôm nay con nguyện giữ tâm không ái luyến (không bám víu dính mắc người thân)

7.         Ngày hôm nay con nguyện giữ tâm không thù ghét (bất cứ ai)

8.         Ngày hôm nay con nguyện giữ tâm không mong cầu (không thèm khát vật chất thế gian).

Chúng ta đau khổ vì tham, sân, si và biết rằng tu là loại trừ ba thứ này. Nhưng tại sao chúng ta tu hoài mà vẫn không hết những phiền não đó? Lý do là vì chúng ta không bao giờ nghĩ tới, hay nhắc nhở mình từ bỏ tham sân si. Chúng ta muốn chứng được vô ngã nhưng không bao giờ nhắc mình dẹp trừ cái ngã. Ta tu thiền, tịnh, học nhiều giáo lý, tụng hết kinh này đến kinh khác, nhưng những tật xấu của mình thì không nhớ để sửa. Những điều cần phải bỏ thì lại không chịu bỏ.

Vì vậy Thầy làm một program mới để chúng ta tu, không phải là tu suốt đời mà chỉ tu cho ngày hôm nay thôi. Sáng ngủ dậy, ta nhớ nguyện liền: “Ngày hôm nay con nguyện giữ tâm không tham. Ngày hôm nay con nguyện …” Ta ráng giữ những điều nguyện này trong ngày hôm nay. Ngày hôm sau thức dậy, ta cũng nguyện lại như vậy, và cũng cố gắng giữ trong một ngày.

Khi ngồi thiền, ta tập ngồi 5 phút, nhưng trong 5 phút đó cố gắng giữ chánh niệm. Hết 5 phút, ta ngồi tiếp 5 phút nữa, cố gắng giữ chánh niệm, và hết 5 phút mình lại thêm 5 phút nữa. Sau 15 phút, nếu thấy đủ rồi, mình có thể ngưng, không cần phải ngồi một tiếng, hai tiếng đồng hồ. Như khi ta đang ăn món ngon mà biết ngừng lại, thì ta sẽ còn muốn ăn nữa sau này. Nhưng nếu ta thấy ngon mà ăn thật nhiều, ngày nào cũng ăn thì ta sẽ chán.

1. “Ngày hôm nay, con nguyện cố gắng giữ tâm không tham”. Ai cũng có tham sân si, nên chúng ta không nguyện không có tham. Nhưng ngày hôm nay khi có tâm tham khởi lên, con cố gắng giữ không đi theo nó.

Tham là gì? Tham là muốn có nhiều hơn cái mình cần. Thí dụ mình thật sự chỉ cần 3 bộ quần áo, nhưng lần nào đi chợ thấy đồ đẹp là muốn mua thêm nữa. Cái "muốn mua thêm nữa" là tham. Mình thật sự cần chỉ một chiếc xe, nhưng mình lại có đến 4 chiếc. Vậy 3 chiếc xe kia là do tham mà có. Gần hơn nữa, ta chỉ ăn 3 chén cơm là no, nhưng hôm nay do đồ ăn ngon quá nên mình ăn 5 chén. 2 chén cơm sau là tham.

Tóm lại, khi mình muốn có nhiều hơn cái mình cần, đó là tham.

“Ngày hôm nay nguyện giữ tâm không tham”. Ta cố gắng tập điều đó trong ngày hôm nay.

2. “Ngày hôm nay con nguyện giữ tâm không sân”

Sân là gì? Sân là khi bị trái ý thì bực tức lên. Do đó tập không sân là tập không bực tức khi bị trái ý.

Sáng ngủ dậy, ta nguyện rằng ngày hôm nay ta sẽ không sân dù bị trái ý, nhất là ngày hôm đó ta sẽ đi đến những nơi gặp những người mà mình biết trước là họ sẽ làm trái ý mình. Đó là luyện tâm, biết dạy tâm của mình. Nếu không, chương trình cũ sẽ nhảy ra ngay lập tức. Chương trình cũ là: “Mỗi lần bị trái ý thì sân nổi lên”.

Sân là một thói quen, một program nằm trong Alaya thức, tự động khởi lên mỗi khi gặp chuyện trái ý. Thí dụ: hôm nay mình tính đi chơi nhưng trời lại mưa, không tức giận ai được, nhưng mình rất bực. Mình mới để món đồ gì ở đó nhưng có người đem đi đâu mất tiêu, mình rất là bực. Những cái bực tức đó chỉ là những programs tự động chạy lấy một mình. Mình chưa kịp suy nghĩ phản ứng thì sân đã khởi lên rồi.

Do vậy, bây giờ biết tu là biết cài một program khác vô để từ từ nó hóa giải program cũ một cách tự động mà mình không cần phải ra sức giằng co phản đối. Tại sao có những người rất dễ thương, bị chửi mà họ vẫn an nhiên mỉm cười được? Đó là vì program sân của họ đã bị xoá hoặc đã bị suy yếu đi rồi.

3. “Ngày hôm nay con nguyện giữ tâm không si”

Mỗi lần chúng ta có tham, có sân là vì chúng ta có si.

Tham là một tâm sở, sân là một tâm sở, thì si cũng là một tâm sở. Tâm sở là trạng thái của tâm.

Si không có nghĩa là không hiểu biết, không có kiến thức. Một người có kiến thức, học vấn cao như bác sĩ, kỹ sư cũng có thể si như người ít học. Si không liên quan gì đến vấn đề kiến thức, học vị. Tâm sở Si là trạng thái của một tâm không sống trong chánh niệm, không biết mình đang làm gì, luôn phóng ra bám vào trần cảnh, từ đó sinh ra ưa, ghét, vui, buồn, giận, hờn. Vì vậy khi mình có vọng tưởng khởi lên là mình đang si. Đang giận, đang quá thương yêu, đang ghét, đang buồn là ta đang si vì tâm thức đang chạy ra ngoài dính mắc với trần cảnh. Trạng thái này trong đạo gọi là phóng dật. Tâm phóng dật cũng chính là một hình thức của tâm si.

“Ngày hôm nay con nguyện giữ tâm không si” không có nghĩa là ngày hôm nay con sẽ tụng kinh, học giáo lý v.v… Muốn giữ tâm không si là phải giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác. Đó là lý do tại sao các thiền sư, nhất là các vị tu thiền Minh Sát, luôn dạy chúng ta phải chánh niệm, tỉnh giác. Vì nếu không chánh niệm, tỉnh giác thì mình dễ si mê, nghĩa là không biết mình đang phóng dật, chạy theo trần cảnh, khởi lên ưa ghét, đúng ý thì ưa và tham khởi lên, trái ý thì ghét và sân khởi lên.

4. “Ngày hôm nay con nguyện giữ tâm không ngã mạn”.

Ngã mạn là kiêu căng, ngạo mạn, tự cho mình hơn người khác. Đây là tâm luôn so sánh mình với người khác và cho mình hơn, thí dụ như cho rằng mình trẻ hơn, đẹp hơn, giàu hơn, tài giỏi hơn người khác rồi khinh chê, xem thường người khác.

Làm sao để ngày hôm nay giữ tâm không ngã mạn? Đó là tập không khen mình chê người, nhất là qua lời nói. Nếu mình thường tìm lỗi, chỉ trích, chê bai người khác, đó là đang ngã mạn mà không cần phải khoe khoang mình giỏi. Biết như vậy để tự sửa mình ngay lập tức. Sửa được những tật xấu thì mới đúng là tu và tu có tiến bộ, từ từ lên được trình độ cao hơn.

5. “Ngày hôm nay con nguyện giữ tâm không ganh tị”

Ganh tị là một tâm sở. Mình phải nhìn thấy nó ngay khi nó vừa khởi lên, chứ không phải đợi đến lúc nó phát ra ngoài rồi mới thấy, vì như vậy là quá thô và lúc đó đã trễ.

Tâm ganh tị cũng là tâm luôn so sánh với người khác nhưng cảm thấy mình thua thiệt, tại sao người khác được cái này, cái kia mà mình không được và sinh ra bất mãn, buồn giận.

Những điều vừa kể ra ở trên đều rất dễ hiểu, nhưng rất khó làm. Nếu ta làm được thì mới là tu.

6. “Ngày hôm nay con nguyện giữ tâm không ái luyến”.

Tâm ái luyến là tâm bám víu vào những người thương của mình. Mỗi lần phải ở xa, không gặp, không được ở gần người thân thương thì mình rất khó chịu, bồn chồn, bứt rứt, buồn bực. Đó là tâm đang bị ái luyến, dính mắc. Ái luyến như vậy sẽ đưa tới sự bất an khi không thấy mặt, không nghe tiếng người đó, nhất là khi nghe tin người đó chết, mình sẽ như chết đi một nửa tâm hồn. Do đó, tâm ái luyến sẽ đưa tới “ái biệt ly khổ”.

Chúng ta tái sinh trong cõi này cũng vì ái luyến. Muốn giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, thì cần phải từ bỏ ái luyến, dính mắc.

Vượt qua được sự ái luyến, dính mắc, ta sẽ trưởng thành hơn. Nếu không, ta sẽ trở về đường xưa lối cũ, tìm lại những người thân thương của mình để trong lòng cảm thấy yên ổn. Và kiếp sau, ta sẽ tiếp tục trở lại cõi này, tìm lại cha mẹ, anh em, vợ, chồng, con cái, oan gia, ân gia,… để tiếp tục thương, ghét, vui, buồn, tạo nghiệp với nhau, vì nhau.

7. “Ngày hôm nay con nguyện giữ tâm không thù ghét”

Thù ghét có nhiều bậc. Thù là nặng nhất. Thấp hơn là hận. Dưới một nấc nữa là ghét. Dưới nữa là không ưa. Thù ghét đưa tới “oán tắng hội khổ”, tức là ghét mà phải gặp mặt, đó mới thật là khổ! Nhưng oái oăm thay "ghét của nào trời trao của đó". Đó là bài học của cuộc đời. Đến khi mình không còn ghét ai nữa thì ‘trời’ không trao cho mình cái gì để học nữa. Ngày nào mình còn ưa ghét, khó chịu, bực tức thì biết bài học đó mình chưa học xong, và sẽ tiếp tục trở lại cõi Ta Bà này để gặp thử thách, gặp những thứ làm mình rất khó chịu, khổ sở bất như ý để mình tập buông xả.

Tâm xả là tâm biết chấp nhận, chuyển hoá và tiếp tục đi lên. Có được tâm xả thì xem như ta học xong bài học của cuộc đời, không còn thù ghét ai, và cũng không còn ái luyến ai nữa.

8. “Ngày hôm nay con nguyện giữ tâm không mong cầu”

Mong cầu là luôn thèm khát những vật chất thế gian, như mong muốn lấy được vợ đẹp, chồng giàu, biết thương yêu mình, mong cầu mình giàu sang, khoẻ mạnh, sống lâu, hạnh phúc, danh vọng, quyền lực, v.v… Tất cả những mong cầu đó đều được hướng dẫn bởi tham, sân, si và bởi cái ngã.

Thông thường nếu thiếu phước thì những mong cầu đó không bao giờ thành tựu. Và như vậy đưa đến “cầu bất đắc khổ”.

“Tám điều tu hằng ngày” này, chúng ta phải huân tập vào tâm thức mình vì nó trị tận gốc phiền não. Tất cả mọi sự tu tập của ta đều phải bắt đầu từ Ý, tức là phải cài những programs mới vô mỗi ngày, giống như ta phải ăn cơm mỗi ngày vậy.
 

Trich từ bài giảng "Tám điều tu hằng ngày", ngày 3/6/23

 

Trang Nhà        Sách        Băng Giảng        Phật Pháp